Trong 66 năm qua, ngành Điện lực Việt Nam đã phát triển vượt bậc. Cơ cấu nguồn điện gồm đủ các loại hình thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, nhiệt điện dầu và các nguồn điện năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối). Từ chỗ năm 1954, điện chỉ cung cấp cho các trung tâm thành phố và khu công nghiệp, đến năm 2020 sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống dự kiến đạt 261,46 tỷ kWh (trong đó, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện, kể cả các công ty cổ phần dự kiến đạt 142,82 tỷ kWh). EVN đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức cao nhiều năm liên tục. Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư và cung cấp điện cho 11/12 huyện đảo, trong đó các đảo có vị trí chiến lược trên biển như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn, Kiên Hải, Lại Sơn, Tiên Hải... đều được đầu tư cấp điện lưới Quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển.
Những bước tiến thần kỳ của ngành Điện lực cách mạng Việt Nam còn được thể hiện qua việc xây dựng và đưa vào vận hành nhiều công trình điện trọng điểm mang tầm quốc tế và khu vực như: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam từ mạch 1 nay đã được bổ sung thêm mạch 2 rồi mạch 3; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và gần đây nhất là Nhà máy Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á - điểm sáng về sự đoàn kết, nhất trí, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa nội lực tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật tiên tiến của Tập đoàn cũng như các đơn vị thi công trên công trường...
Những thành tựu quan trọng EVN đã đạt được:
1. Hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện; đảm bảo điện đi trước một bước trong công cuộc CNH - HĐH đất nước, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhiều năm liên tục.
Giai đoạn 2010 - 2019 điện thương phẩm tăng trưởng với tốc độ cao, từ 85,4 tỷ kWh năm 2010 lên mức 209,77 tỷ kWh năm 2019; tốc độ tăng trưởng bình quân 10,86%/năm, gấp hơn 1,71 lần so với tăng trưởng GDP. Ước tính đến hết năm 2020, sản lượng điện thương phẩm toàn EVN đạt 227,99 tỷ kWh. Tập đoàn đã cung cấp đủ điện phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế, với sứ mệnh “đi trước một bước” theo Nghị quyết của Đảng. Sản lượng điện thương phẩm bình quân trên người dân đến cuối năm 2019 đạt 2.174,2 kWh/người/năm, tăng 2,21 lần so với năm 2010 (982,7kWh/người/năm).
Trong công tác đầu tư xây dựng, khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện được giao đòi hỏi nhu cầu vốn lớn nhưng Chính phủ không còn bảo lãnh cho các khoản vay để đầu tư của EVN. Nhưng với quyết tâm cao, EVN đã chỉ đạo các đơn vị nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thu xếp đủ vốn cho các dự án công trình điện. Hệ thống điện quốc gia liên tục mở rộng phạm vi, quy mô và năng lực sản xuất, đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao về nhu cầu điện của đất nước. Tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 2010 - 2019 là 1.033.843 tỷ đồng, gấp 4 lần so với giai đoạn 2000 - 2009 (257.130 tỷ đồng). Kế hoạch năm 2020, tổng giá trị đầu tư xây dựng ước đạt 93.216 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư thuần đạt 59.263,7 tỷ đồng.
2. EVN giữ vai trò duy nhất và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo
Đến cuối năm 2019 đã có 100% số xã và 99,52% số hộ dân có điện (tăng 1,63% so với cuối năm 2012). Bên cạnh đó, để các hộ dân được hưởng giá điện của Chính phủ, EVN cũng đã thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn để bán điện trực tiếp đến từng hộ dân. Đến nay EVN đã bán điện trực tiếp tới 10.285 xã phường, tăng tỷ lệ số hộ dân nông thôn được mua điện trực tiếp của ngành Điện từ 89,9% năm 2012 lên 93,5% năm 2019. Sau khi tiếp nhận lưới điện hạ áp của tất cả các xã, EVN và các đơn vị đều phải sửa chữa cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện để vận hành an toàn, cung cấp điện ổn định, liên tục tới các hộ dân với chi phí cải tạo bình quân 1,2 - 1,5 tỷ đồng/xã. Tổng chi phí cải tạo tối thiểu lưới điện sau tiếp nhận hơn 8.000 tỷ đồng.
Để lưới điện nông thôn đáp ứng tiêu chí số 4 trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, EVN đã đầu tư cho lưới điện phân phối cung cấp cho khu vực nông thôn trong 10 năm là hơn 89.200 tỉ đồng. Trong đó riêng nguồn vốn vay ODA của các Tổ chức quốc tế khoảng 63.300 tỉ đồng (tương đương 3,0 tỷ USD). Tới cuối năm 2019, có 8.072/8.902 xã đạt tiêu chí số 4, góp phần quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến và ngành nghề dịch vụ nông nghiệp; làm thay đổi diện mạo nông thôn, thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, với quyết tâm cấp điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo và đảm bảo an ninh quốc phòng, trong những năm qua, EVN đã hoàn thành xuất sắc các dự án cấp điện cho đồng bào dân tộc tại các tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn; đã đưa lưới điện quốc gia vượt trùng khơi vươn tới các huyện đảo tiền tiêu tổ quốc với việc hoàn thành tiếp nhận và bán điện trực tiếp tại 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo.
3. Đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật điện, đổi mới công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
Thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ chính trị, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, EVN đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”. Mục tiêu của Đề án là xây dựng EVN trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực, phát triển bền vững, hiệu quả, ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cuộc CMCN 4.0 cho mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Hiện nay, cơ khí Điện lực Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất các sản phẩm đòi hỏi trình độ công nghệ và độ chính xác cao như các máy biến áp 220kV công suất đến 250MVA, máy biến áp 3 pha 500kV - 467MVA, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chế tạo được máy biến áp 500 kV; tự chế tạo, lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công, kết cấu thép cho nhiều công trình thuỷ điện, nhiệt điện lớn, có tầm quan trọng quốc gia.
Công nghệ tự động hóa điều khiển, kỹ thuật số cũng được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng và vận hành hệ thống điện, thị trường điện, đã thực hiện điều khiển xa không cần người trực khoảng 625 trạm biến áp 220 - 110kV. Công nghệ thông tin được sử dụng hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, xây dựng thành công nhiều hệ thống phần mềm lớn dùng chung toàn Tập đoàn; áp dụng công nghệ chẩn đoán trạng thái thiết bị như: Kiểm tra phóng điện cục bộ máy biến áp 220 – 500 kV; giám sát dầu online tại trạm biến áp 500kV; sửa chữa lưới điện không cần cắt điện... Đặc biệt, giải pháp vệ sinh cách điện hotline (trên lưới điện đang mang điện) đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và đạt giải Nhì tại cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011. Bên cạnh đó, công nghệ thông tin cũng là công cụ tiện lợi, hữu ích trong việc tăng tính hiệu quả, minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu. Từ khi thực hiện thí điểm đấu thầu qua mạng vào năm 2009 với hơn chục gói, đến nay EVN luôn luôn là đơn vị đứng đầu toàn quốc trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng. Trong năm 2019, các đơn vị EVN đã thực hiện thành công 9.376 gói thầu qua mạng, chiếm tỷ lệ 48,0% tổng số gói thầu thực hiện trong năm, với tổng giá trị trúng thầu khoảng 21.700 tỷ đồng.
Hiện EVN đang tiếp tục triển khai nghiên cứu, phát triển các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực và dự kiến đến 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi doanh nghiệp số.
4. Chủ động, sáng tạo trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng
EVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử vào năm 2012 và cũng là Tập đoàn đầu tiên triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc vào năm 2015. Sau đó, vào năm 2016, EVN đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi hình thức thu tiền điện tại nhà sang thu tiền qua điểm thu tập trung, các tổ chức trung gian. ví điện tử và qua ngân hàng... Đến hết tháng 10 năm 2020, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 68,74%; tỷ lệ tiền điện thanh toán không dùng tiền mặt đạt 90,63%.
Đến cuối năm 2018, EVN đã chính thức công bố cung cấp các “Dịch vụ điện trực tuyến” cấp độ 4, đây là cấp độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ, tăng tính công khai minh bạch và tạo mọi thuận lợi cho khách hàng. Cũng trong năm 2018, EVN hoàn thành việc kết nối cung cấp dịch vụ điện tại Trung tâm Hành chính công và các Cổng thông tin dịch vụ công trực tuyến tại 63/63 tỉnh/thành phố. Cuối năm 2019, ngay khi cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) được khai trương, EVN đã được Chính phủ cho phép tích hợp, cung cấp 3 dịch vụ. Tới ngày 24/12/2019, EVN hoàn thành đưa 12/12 dịch vụ điện mức độ 4 kết nối cổng DVCQG và cũng là doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên hoàn thành việc tích hợp, cung cấp tất cả các dịch vụ điện năng ở mức độ 4 cung cấp trên Cổng CVDQG.
5. Thực hiện nhanh quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Trong 10 năm qua, EVN đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Cụ thể, EVN đã hoàn thành cổ phần hoá và chuyển thành công ty cổ phần được 32 đơn vị (bao gồm: 8 công ty phát điện, 01 công ty phân phối điện và 23 công ty, đơn vị thuộc khối phụ trợ). Qua đó, có tác động tích cực tới công tác quản trị, điều hành và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, EVN cũng hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp không liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính hoặc lĩnh vực nhà nước không cần nắm chi phối; đảm bảo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điện.
Việc đưa thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vào vận hành từ năm 2012 là bước phát triển quan trọng của ngành Điện Việt Nam, giúp hệ thống điện và thị trường điện được vận hành an toàn, ổn định. Nếu như năm 2012 mới chỉ có 32 nhà máy với tổng công suất 9.200 MW tham gia thị trường phát điện cạnh tranh thì đến ngày 31.3.2020 đã có 98 nhà máy điện trực tiếp tham gia cạnh tranh trên thị trường với tổng công suất 26.895 MW. Đến năm 2016, thị trường bán buôn điện cạnh tranh được đưa vào thí điểm và vận hành chính thức từ năm 2019; hướng tới mục tiêu vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ năm 2021.
6. Công tác quản lý và bảo vệ môi trường trong Tập đoàn đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt
EVN đã đầu tư xây dựng 29 cụm công trình, dự án nhiệt điện và 33 công trình, dự án thủy điện thuộc đối tượng phải lập, thẩm định đánh giá tác động môi trường. 100% các công trình, dự án nhà máy điện đang hoạt động đều đã được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi vận hành. Ngoài ra, có hơn 10.000 công trình/dự án đường dây truyền tải và trạm biến áp được đầu tư xây dựng đã hoàn thiện đầy đủ các thủ tục môi trường theo quy định.
Ngoài việc tiếp cận thuần tuý dưới góc độ kỹ thuật về công nghệ thì việc đáp ứng các tiêu chuẩn/quy chuẩn môi trường “khắt khe” và mục tiêu tiết kiệm tài nguyên đã thúc đẩy EVN luôn tìm kiếm và hướng đến đầu tư thiết bị tối ưu đa mục tiêu, công nghệ sạch và hệ thống xử lý môi trường hiện đại. Toàn bộ các nhà máy điện đều lắp đặt đầy đủ các hệ thống xử lý môi trường nước thải và khí thải; đầu tư các hệ thống quan trắc tự động, truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường tại địa phương để theo dõi, cũng như công khai các số liệu trên các bảng điện tử tại cổng nhà máy hoặc Ủy ban Nhân dân xã. 100% các tổ máy nhiệt điện đều lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện với hiệu suất cao trên 99,7% và đặc biệt đưa hệ thống vào vận hành ngay khi khởi động. Tỷ lệ tiêu thụ tro xỉ tăng từ ~ 40% trong giai đoạn 2015 - 2018 lên ~70% vào năm 2019.
Với ý thức, niềm tự hào về lịch sử và thành tựu của ngành Điện lực cách mạng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết tâm phấn đấu, phát huy truyền thống 66 năm, vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục đưa Tập đoàn phát triển vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phồn vinh của đất nước.