1/. Đặc điểm tình hình.
Năm 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, đây là năm thứ hai liên tiếp chúng ta hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Hoạt động của Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam năm qua gắn liền với sự phát triển chung của đất nước có những đặc điểm chính như sau:
Về thuận lợi: Kinh tế - xã hội năm 2019 đạt nhiều kết quả tích cực so với khu vực và thế giới, duy trì được đà tăng trưởng khá, có sự chuyển biển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực, GDP năm 2019 tăng trưởng ấn tượng ở mức 7,02%. Trong bối cảnh sự tăng trưởng kinh tế và thương mại của các nước trong khu vực và Quốc tế giảm so với năm 2018. Đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng GDP vượt mức 7% kể từ năm 2011. Việt Nam vẫn duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô với việc giữ lạm phát ở mức thấp, nợ công giảm, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD, doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục, môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện...
Về khó khăn, thách thức: Các hiện tượng thời tiết cực đoan, khô cạn, lượng nước ở các hồ thủy điện rất thấp; Dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên cả nước. Sản xuất kinh doanh của các đơn vị gặp khó khăn trong đó khó khăn huy động vốn và công tác giải phóng mặt bằng nên nhiều dự án bị chậm tiến độ. Tác động thương mại Mỹ - Trung làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
2/. Tình hình hoạt động Hiệp hội năm 2019:
-
Công tác tổ chức và hội viên.
Hiệp hội đã rà soát, kiện toàn tổ chức và trao đổi thông tin với các đơn vị thành viên để nắm bắt các nhu cầu, các thông tin từ hội viên để điều chỉnh kịp thời cho các hoạt động của Hiệp hội phù hợp với tình hình chung, đồng thời cũng tạo sự gần gũi, gắn kết giữa Hiệp hội và các đơn vị.
-
Năm 2019 đã kết nạp 01 đơn vị là thành viên mới của Hiệp hội. Tổng số hội viên đến nay là 61 đơn vị.
-
Tháng 3/2019 đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết hoạt động Hiệp hội năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 tại Thành phố Hà Nội do Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội đăng cai. Tại Hội nghị các đơn vị thành viên đã trao đổi những khó khăn và thuận lợi trong năm qua để cùng nhau tìm biện pháp hợp tác giúp đỡ, liên kết, học tập kinh nghiệm, cùng phát triển.
-
Tháng 4/2019 Hiệp hội đã tổ chức Hội thảo giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Philipppines trong lĩnh vực máy móc thiết bị điện, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng hóa máy móc, thiết bị điện sang Philippines.
Hội thảo đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp của 2 nước giao thương trực tiếp, cung ứng các sản phẩm máy móc, thiết bị điện cho thị trường Philippines và góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Philippines. Các sản phẩm máy móc, thiết bị điện các doanh nghiệp Philippines muốn nhập khẩu từ Việt Nam: máy móc, thiết bị điện, cáp điện, thiết bị chiếu sáng (cụ thể như: ổn áp, bảng điện, phích cắm điện, ổ điện, tụ điện, thiết bị chuyển mạch, áp-tô-mát, công tơ điện, máy biến thế, ống dẫn dây điện, các loại dây cáp, máng cáp điện, lõi dẫn điện, hộp đấu cáp, biến tần, hệ thống chuyển đổi nguồn, máy bơm công nghiệp, máy biến thế, công tơ nước…).
Ngay tại buổi Hội thảo Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam (VELINA) và Liên đoàn các nhà cung cấp và sản xuất điện, điện tử Phi-líp-pin (PESA) đã ký kết MOU hợp tác trong lĩnh vực điện giữa Việt Nam và Phi-líp-pin.
-
Hiệp hội đã phối hợp với Tổng công ty Điện lực miền Trung tổ chức thành công Hội nghị học tập giao lưu trao đổi kinh nghiệm và tiêu thụ sản phẩm giữa các đơn vị thành viên Hiệp hội. Các đại biểu tham gia hội nghị đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến hữu ích cho công tác phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước và triển khai công tác của Hiệp hội nhiệm kỳ 5.
Cũng trong chuyến đi này, các thành viên tham dự Hội nghị đã ra đảo Cồn Cỏ để viếng các liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Anh hùng đảo Cồn Cỏ và tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế xã hội và cấp điện trên đảo..
Nhân dịp này, đoàn cán bộ Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật điện Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với 2 đơn vị là Công ty Điện lực Quảng Trị và Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế về kết quả thực hiện các chỉ tiêu nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, chỉ số tiếp cận điện năng, các giải pháp giảm tổn thất điện năng, kế hoạch phát triển phụ tải điện mặt trời áp mái trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế...
-
Kiểm điểm trách nhiệm của hội viên:
Năm 2019, đa số thành viên Hiệp hội đã nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hiệp hội như tham dự các Hội nghị, các hội thảo, tọa đàm, các buổi tiếp xúc các đối tác hoặc tham gia làm việc với Hải quan, đóng góp ý kiến phản ảnh về các vấn đề thuế hải quan.. đóng hội phí đầy đủ, đúng thời hạn, song bên cạnh đó cũng có một số đơn vị ít tham gia hoạt động và chưa nhiệt tình tham gia vào các việc chung, không tham dự các hội nghị tổng kết hoặc không tham dự các buổi làm việc với các đối tác khi Hiệp hội yêu cầu….
Sang năm 2020, Hiệp hội mong muốn và đề nghị các đơn vị thành viên Hiệp hội tham dự đầy đủ các hoạt động khi được yêu cầu, vì lợi ích của doanh nghiệp và sự phát triển của Hiệp hội.
-
Thực hiện là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiệp hội đã tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản, các quy định của các bộ, ngành cho các đơn vị thành viên.
- Cử trên 10 đơn vị thành viên tham gia Hội nghị Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ nước CHXNCN Việt Nam phối hợp với Ban kinh tế Trung Ương tổ chức với chủ đề “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trưng Ương 5 khóa XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ”
- Kiến nghị tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, tập trung các vấn đề:
Ưu tiên sử dụng sản phẩm do Việt Nam sản xuất, các vướng mắc về thuế xuất nhập khẩu các Thiết bị Điện và Vật liệu kỹ thuật điện phục vụ cho sản xuất, các vướng mắc về thủ tục hải quan, đề nghị giảm bớt thủ tục kiểm tra hàng, về hồ sơ mời thầu, ưu tiền hàng sản xuất được trong nước trong qua trình tham gia xét thầu, sản phẩm mới hoặc kinh nghiệm của doanh nghiệp quy định trong hồ sơ mời thầu vv…để kiến nghị với EVN, Bộ Công thương và các cơ quan quản lý Nhà nước.
-
Tham gia đóng góp ý kiến về phương án cam kết thuế nhập khẩu của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tư do Việt Nam - Ixra-en và ý kiến về phương án cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác Kinh tế khu vực
-
Cử các thành viên Hiệp hội tham gia Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực xúc tiến Thương mại đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương tổ chức để chia sẻ kinh nghiệm của một số nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu và thu hút đầu tư, nắm bắt vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong việc thâm nhập thị trường, mở rộng hợp tác kinh doanh; thảo luận về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác thương mại và đầu tư với các nước đối tác chiến lươc.
-
Tham dự “Hội thảo Thúc đẩy mô hình hợp tác thương mại mới giữa Nhật Bản và Việt Nam doc Cục Xúc tiến Thương Mại, Bộ Công thương tổ chức
-
Cập nhật danh mục hàng hóa trong nước đã sản xuất được gửi Cục Công nghiệp, Bộ Công thương.
-
Tham dự Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2019
-
Tham dự đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực ASEAN (trong đó có Việt Nam)
-
Cử đại diện đơn vị thành viên Hiệp hội tham dự Tọa đàm Xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược “Góc nhìn doanh nghiệp”
-
Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ưu tiên các sản phẩm sản xuất được trong nước.
-
Kiến nghị, Phản ánh về các vấn đề thuế, hải quan chuẩn bị Hội nghị đối thoại 2019.
-
Cử các đơn vị tham dự buổi họp lấy ý kiến dự thảo Quyết định Thủ tướng phê duyệt Đề án Tăng cường hệ thống hàng rào kỹ thuật trong thương mại do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
-
Tham dự Hội thảo Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu qủa năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam do Bộ Công thương Tổ chức.
-
Lãnh đạo Hiệp hội cùng các doanh nghiệp thành viên tham dự Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2019 với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”
-
Tham dự Hội nghị Tổng kết công tác đối ngoại nhân dân năm 2019.
-
Hiệp hội đã tích cực tham gia và đóng góp các văn bản pháp luật, làm tốt chức năng đại diện cho doanh nghiệp, góp ý các văn bản do Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan chủ trì.
-
Tham gia ý kiến góp ý cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về danh mục nhập khẩu của Việt Nam trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Ixra-en
-
Báo cáo thực trạng về hệ thống hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại theo Quyết đinh số 598/QĐ-TTg
-
Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn Thống kê nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
-
Giữ mối quan hệ các đối tác trong khu vực, với Cục Xúc tiến Thương mại và Reed Tradex Thái Lan về triển lãm Công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam và Thái lan, với Singapore về triển lãm Thiết bị Điện và Xây dựng tại Singafore, với Đức về triển lãm Dây và Cáp điện tại Hà Nội, với Ấn độ về Thiết bị Công nghiệp được tổ chức theo định kỳ hàng năm tại Việt Nam vv...
-
Làm việc và giao lưu với đoàn doanh nghiệp và lãnh đạo Hiệp hội ngành dây cáp điện tỉnh Quảng Đông Trung Quốc tại Văn phòng Hiệp hội tháng 1 năm 2019.
-
Ký biên bản hợp tác với Hiệp hội Philippines và liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội với các doanh nghiệp Philippines.
-
Cử cán bộ Hiệp hội tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Thụy Điển – Việt Nam trong tháng 5 năm 2019.
-
Tham dự chương trình học tập và khảo sát tại Châu Âu năm 2019
-
Ngày 03/12/2019, Lãnh đạo Hiệp hội Công nghiệp kỹ thuật điện Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Đại sứ quán Ấn Độ và Hiệp hội Ấn độ. Trong buổi làm việc Hiệp hội Thiết Bị Điện Ấn Độ kính mời một số đơn vị là thành viên Hiệp hội quan tâm đến triển lãm ELECTAMA nhưng do cận Tết nguyên đán cho nên các đơn vị không tham dự Hội Chợ tại Ấn Độ.
Năm 2019, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên Hiệp hội đã có sự tăng trưởng và phát triển về số lượng cũng như chất lượng; các đơn vị đều đạt vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra từ 10-20%, có doanh nghiệp đạt 200% so với kế hoạch; một số doanh nghiệp đã nắm bắt kịp thời thị trường và sản xuất được một số sản phẩm mới đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế thị trường và công nghiệp 4.0. Nhưng bên cạnh đó, còn một số các doanh nghiệp nhỏ gặp không ít khó khăn, một mặt thiếu kinh phí đầu tư, thay đổi công nghệ cũ và lạc hậu, Giá vật tư đầu vào tăng mạnh, biến động nền kinh tế nhanh, cạnh tranh khốc liệt; Ấn Độ áp thuế chống phá giá lên đến 7% cho mặt hàng dây đồng làm ảnh hưởng việc xuất khẩu dây đồng; thu hồi nợ khó khăn, bên cạnh đó phải cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc và hàng giả xuất xứ…
-
Hiệp hội đã tiếp nhận kiến nghị của Công ty CP Dây và Cáp điện Thịnh Phát về thuế xuất nhập khẩu Dây nhôm (loại dây mã HS Code: 76051100 và thanh busbar có mã HS Code: 74071040), hiện nay mặt hàng này đang chịu mức thuế xuất khẩu từ 5%-10% tùy từng thị trường, các doanh nghiệp đề nghị điều chỉnh mức thuế xuất khẩu 02 mặt hàng trên về 0%. Ưu tiên dây sản phẩm sản xuất được trong nước. Công ty CP Dây và Cáp điện Thịn phát và một số các đơn vị thành viên có kiến nghị với Cơ quan Hải Quan xem xét giảm bớt thủ tục kiểm tra, ưu tiên cho doanh nghiệp nào có mặt hàng nhập khẩu thường xuyên để giải phóng nhanh container giảm thời gian lưu kho cảng, không thu phí chuyển tải từ cảng Cái Mép về Cảng Cát Lái. Hiệp hội sẽ cùng với các doanh nghiệp kiến nghị với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về những vấn đề này.
Trong năn 2019, nhiều đơn vị thành viên Hiệp hội đã cố gắng duy trì sản xuất, tìm kiếm thị trường để xuất khẩu sản phẩm của mình ra các nước trên thế giới, đảm bảo đời sống của người lao động, một số đơn vị hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2019 như các Tổng Công ty Điện lực, các công ty CP sản xuất thiết Thiết bị Điện, Công ty Thiết bị điện Sài Gòn, Công ty CP Cáp điện Thịnh Phát; Công ty Cổ phần Dây Cáp điện Việt Nam (CADIVI); Tập đoàn Tuấn Ân, Công ty CP Thiết bị điện Đông Anh; Công ty Nhất nước; Công ty CP Cáp điện và hệ thống LS-VINA; Công ty Cp Sản xuất thiết bị điện Hà Nội; Công ty CP chế tạo biến thế Điện lực Hà Nội…; doanh thu có bước tiến triển, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra so với năm 2018 nhiều đơn vị đều vượt từ 10 – 20%, đặc biệt Công ty Nhất nước vượt 200%.
Đặc biệt năm 2019, một số doanh nghiệp thành viên Hiệp hội đã năm bắt cơ hội thị trường áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất và cho ra nhiều sản phẩm vật liệu thiết bị điện mới như: Công ty CP Dây và Cáp điện Việt Nam CADIVI, cho ra đời 3 sản phẩm mới là; Cáp siêu nhiệt ACCC ruột nhôm lõi composite; Dây đôi mềm oval, cách điện và vỏ PVC 90 độ C không chì; Cáp năng lượng mặt trời.
Công ty CP Cáp điện Thịnh Phát sản xuất 4 sản phẩm mới như: Dây nhôm siêu nhiệt lõi composit ACCA; Cáp tổn thất thấp LL-ACSR.; Cáp mềm chịu nhiệt 1100C; Cáp bọc nylon; Nhựa FR-PVC 75.
Qua trao đổi thông tin của Hiệp hội, các đơn vị thành viên đã đẩy mạnh sự hợp tác giữa các doanh nghiệp và Hiệp hội để tìm cách tháo gỡ, nhiều đơn vị thành viên đã đề nghị Hiệp hội hỗ trợ mối quan hệ với các khách hàng, tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp nhập khẩu các TBĐ mà Việt Nam chưa sản xuất được để làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, kiến nghị về hồ sơ mời thầu để ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng Công ty Điện lực, Công ty Điện lực các tỉnh đã có nhiều cải tiến trong việc quản lý và phục vụ nhu cầu điện năng cho sản xuất và tiêu dùng. Theo kết quả đánh giá, năm 2019 tiếp tục ghi nhận cải thiện điểm số về Chỉ số đánh giá sự hài lòng của khách hàng tăng năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm). Chỉ số Tiếp cận điện năng được Doing Business đánh giá theo các tiêu chí: thủ tục, thời gian và chi phí để kết nối với lưới điện, độ tin cậy cung cấp điện và tính minh bạch của giá điện.
Chỉ số Tiếp cận điện năng của Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 trong khu vực Asean - nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế. Năm 2019, Chỉ số Tiếp cận điện năng khu vực ASEAN đã chứng kiến sự tụt hạng của một số quốc gia như Singapore từ vị trí thứ 16 xuống vị trí thứ 19 thế giới, Philippines tụt xuống đứng thứ 6 khu vực sau Brunei. Để tiếp tục duy trì việc tăng điểm số Chỉ số Tiếp cận điện năng, tiếp tục tích cực cải thiện dịch vụ khách hàng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ điện năng cấp độ 4.
Tính đến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 54.880MW. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia) và thứ 23 thế giới.
Năm 2019, sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc đạt 231,1 tỷ kWh, tăng 8,85%. Điện thương phẩm năm 2019 đạt 209,42 tỷ kWh, tăng 8,87% so với năm 2018. Tổn thất điện năng năm 2019 toàn Tập đoàn ước đạt 6,5% thấp hơn 0,2% so với kế hoạch và vượt trước 1 năm so với lộ trình của kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện, thị trường điện đã bám sát nhu cầu phụ tải.
Công tác dịch vụ khách hàng tiếp tục có chuyển biến tốt, đã cung cấp các dịch vụ trực tuyến tại Trung tâm Hành chính công hoặc cổng thông tin dịch vụ công tại 63 tỉnh/thành phố. Từ tháng 12/2019, EVN đã cung cấp các dịch vụ cấp điện qua lưới trung/hạ áp và thanh toán tiền điện trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tạo sự thuận lợi cho khách hàng và minh bạch trong các giao dịch, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm ASEAN 4.
Các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội đã tích cực góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho Sản xuất và tiêu dùng trong cả nước. Một số công ty đã đầu tư cho các dự án năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời) như Tập đoàn Thiết bị Điện Tuấn Ân…
Thực hiện năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, chuẩn bị và tạo đà cho Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, Chính phủ đề ra phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, trách nhiệm, hiệu quả” trong Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2020. Hiệp hội đề nghị các đơn vị thành viên tăng cường nghiên cứu cải tiến công nghệ, đầu tư năng lực sản xuất phù hợp, tiết kiệm, hạ giá thành để sản phẩm cạnh tranh tốt trên thị trường, xác định đây là cơ hội song cũng là thách thức lớn, cần nhậy bén để nắm bắt và làm chủ tình hình diễn biến của thị trường, Quyết liệt thực hiện các đột phá chiến lược; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng kỹ thuật số.
Công tác Thi đua – Khen thưởng năm 2019.
-
Hàng năm Hiệp hội đã làm tốt công tác khen thưởng đối với các hội viên, đôn đốc các đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành kế hoạch sản xuất của đơn vị.
-
Hiệp hội đã đề nghị tặng Bằng khen Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tặng Bằng khen của Hiệp hội cho các tập thể và cá nhân có thành tích năm 2019:
Bằng khen Bộ trưởng Bộ Công thương đang đợi xét duyêt của Bộ
-
Bằng khen tập thể: 01 đơn vị
-
Bằng khen cá nhân: 05 đồng chí
Bằng khen Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam
-
Bằng khen tập thể: 01 đơn vị
-
Bằng khen cá nhân: 06 đồng chí
Bằng khen Hiệp hội Công nghiệp Kỹ thuật Điện Việt Nam
-
Bằng khen tập thể: 01 đơn vị
-
Bằng khen cá nhân: 09 đồng chí
Công tác thông tin và tạp chí
-
Duy trì trang website của Hiệp hội, đưa các thông tin cần thiết lên trang website để đáp ứng yêu cầu của các đơn vị và người quan tâm.
-
Định kỳ ra các số Tạp chí Điện Việt Nam đúng thời hạn, có các trang thông tin của các đơn vị thành viên miễn phí, các trang thông tin cập nhật về chế độ, chính sách…Hiện nay Tạp chí đã ra số 99/2020.
3. Kinh phí hoạt động – Tài chính năm 2019
Năm 2019, Hiệp hội đã thu được 48/61 đơn vị nộp hội phí, Văn phòng Hiệp hội đã tích cực đôn đốc các thành viên Hiệp hội trong việc thu nộp hội phí, nhiều đơn vị đã hăng hái, nhiệt tình trích nộp sớm về Hiệp hội để có điều kiện hoạt động. Hàng năm kinh phí hoạt động của Hiệp hội rất eo hẹp. Do vậy Hiệp hội phải luân lưu các chi tiêu, nhất là vào cuối năm và phải có kế hoạch ưu tiên cho các mục quan trọng.
Năm 2019, được sự hỗ trợ của một số đơn vị bằng cách giới thiệu quảng cáo trên Tạp chí Điện Việt Nam vì vậy Tạp Chí có kinh phí chi trả tiền thuê văn phòng, chuyển phát nhanh, văn phòng phẩm.... cho Hiệp hội cho nên phần tài chính của Hiệp hội được cải thiện hơn.
II/. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM 2020
Ngay đầu năm 2020 diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 “đại dịch” diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường. Dịch đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã với năng lực tài chính, sản xuất còn nhiều hạn chế là đối tượng chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp nhất từ dịch trong tất cả các khâu từ tiêu thụ sản phẩm, nguyên vật liệu nhập khẩu, doanh thu, nguồn vốn cho tái sản xuất, khả năng thanh khoản, thực hiện nghĩa vụ tài chính, huy động lao động, chi phí đầu vào…
Nhiều doanh nghiệp trong nước có sử dụng chuyên gia quản lý, chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong việc ổn định nhân lực, triển khai sản xuất sau Tết nguyên đán Canh Tý, kể cả trong trường hợp thay thế lao động từ Đài Loan.
Năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn cấp điện nên tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến trực tiếp đến việc đảm bảo ứng ứng điện, như: nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn so dự báo, tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện mới của các chủ đầu tư chậm hơn dự kiến, khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện ngoài EVN, việc đảm bảo nhiên liệu (than, khí) cho phát điện...
Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, Tập đoàn dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác đầu tư xây dựng (như: công tác đền bù giải phóng mặt bằng, công tác thu xếp vốn cho các dự án điện, nhất là các dự án nguồn điện lớn...) và đảm bảo cân đối tài chính của EVN (chi phí đầu vào của sản xuất điện có xu hướng tăng hàng năm như giá than, khí cho sản xuất điện; tỷ trọng nguồn phát giá thành cao tăng, trong đó sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu ước khoảng 3,4-6 tỷ kWh…).
Để tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020 cũng như đi đúng hướng tiến "về đích" của giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần tháo gỡ các nút thắt, phát huy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế năm 2020 và các năm tiếp theo, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.
- Hiệp hội sẽ tập trung cùng các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững; hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, hội nhập thành công trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Trong sản xuất kinh doanh, các đơn vị thành viên tập trung vào tăng cường đầu tư phát triển công nghệ mới, phát huy năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng, tăng cường hợp tác, liên kết, giúp đỡ lẫn nhau trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Các thành viên tích cực phấn đấu để hoàn thành kế hoạch và vượt mức kế hoạch đề ra của đơn vị.
- Kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết các kiến nghị của các đơn vị thành viên, tháo gỡ khó khăn để phát triển.
- Công tác tổ chức, Hội viên:
Rà soát và củng cố danh sách hội viên trên cơ sở tự nguyện để chung sức xây dựng Hiệp hội phát triển.
Vận động các doanh nghiệp tham gia Hiệp hội để kết nạp thêm trong năm.
- Duy trì sinh hoạt Ban thường vụ, Hội đồng Hiệp hội và Hội nghị toàn thể hội viên.
- Thực hiện vai trò là cầu nối các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước.
- Tích cực đóng góp xây dựng các văn bản pháp luật do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI và các Bộ, ngành yêu cầu.
- Tăng cường vai trò của Hiệp hội để giải quyết các kiến nghị từ các Hội viên với cơ quan quản lý Nhà nước.
- Tăng cường hợp tác với các tổ chức các nước, giới thiệu các đối tác hợp tác với các hội viên trong sản xuất kinh doanh.
- Làm tốt công tác Thi đua – Khen thưởng, khuyến khích người lao động phát huy sáng tạo góp phần xây dựng đơn vị phát triển.
- Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, duy trì trang Website của Hiệp hội, xuất bản Tạp Chí Điện Việt Nam đều đặn, đảm bảo chất lượng để phục vụ tốt bạn đọc và quảng bá thương hiệu các hội viên.
Trên đây là một số hoạt động Hiệp hội năm 2019 và phương hướng hoạt động Hiệp hội năm 2020.
Với quyết tâm cao của Ban lãnh đạo Hiệp hội và chung sức của các đơn vị thành viên, năm 2020 sẽ mở ra cơ hội mới cho các đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra của doanh nghiệp, góp phần xây dựng Hiệp hội, ngành Điện và đất nước phát triển. Hy vọng năm 2020 theo chủ trương của chính phủ và chỉ đạo của ngành điện sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành phát triển tốt hơn.
|