Tại Hội nghị đồng chí Nguyễn Tấn Lộc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký đã trình bày bản Báo cáo về tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 như sau:
Ngay từ đầu năm đại dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc du trì sản xuất kinh doanh của một số đơn vị thành viên do đứt gãy nguồn cung ứng, thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa. Dịch đã, đang ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng, sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, mưa đá..., tình hình biển đông diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã với năng lực tài chính, sản xuất còn nhiều hạn chế là đối tượng chịu nhiều tác động trực tiếp và gián tiếp nhất từ dịch trong tất cả các khâu từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp trong nước có sử dụng chuyên gia quản lý, chuyên gia kỹ thuật nước ngoài (Trung Quốc, Hà Quốc, Nhật Bản…..) cũng gặp khó khăn trong việc ổn định nhân lực, triển khai sản xuất sau Tết nguyên đán Canh Tý.
Đầu năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định hệ thống điện có thể đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, do hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn cấp điện nên tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cung ứng điện, như: nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn so dự báo, tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện mới của các chủ đầu tư chậm hơn dự kiến, khả năng sản xuất điện của các nhà máy điện ngoài EVN, việc đảm bảo nhiên liệu (than, khí) cho phát điện...
Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện kế hoạch, Tập đoàn dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác đầu tư xây dựng (như: công tác đền bù giải phóng mặt bằng, công tác thu xếp vốn cho các dự án điện, nhất là các dự án nguồn điện lớn...) và đảm bảo cân đối tài chính của EVN (chi phí đầu vào của sản xuất điện có xu hướng tăng hàng năm như giá than, khí cho sản xuất điện; tỷ trọng nguồn phát giá thành cao tăng, trong đó sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu ước khoảng 3,4-6 tỷ kWh…).
4 tháng đầu năm, điện thương phẩm toàn Tập đoàn đạt 66,37 tỷ kWh, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2019.
Lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện trong tháng 4/2020 vẫn ở mức kém. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng lượng nước về đạt 6,61 tỷ kWh, thấp hơn khoảng 3 tỷ kWh so với kế hoạch.
Do tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Các địa phương ưu tiên tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh nên việc triển khai và phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai chậm. Nguồn lực thi công tại các công trường bị ảnh hưởng.
Trong tháng 5/2020 có nhiều đợt nắng nóng gay gắt và kéo dài dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng cao, EVN đã phải đề nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt các thiết bị điện khi không cần thiết; đặc biệt nên cài đặt máy lạnh, máy điều hoà nhiệt độ ở 250-260C vào ban ngày và 260-280C vào ban đêm vừa giúp giảm nguy cơ sự cố điện, vừa tránh được hoá đơn tiền điện tăng cao.
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp và Hiệp hội năm 6 tháng đầu năm 2020:
Ngay sau khi dịch Covid -19 xảy ra và có những diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Ban lãnh đạo Hiệp hội luôn sát cánh cùng Bộ Công và Phòng Thương mại để nắm bắt tình hình hoạt động chung của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid – 19. Theo khảo sát của VCCI được triển khai vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, gần 85% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết họ đã bị mất hoặc thu hẹp thị trường tiêu thụ sản phẩm; gần 60% doanh nghiệp thiếu vốn hoặc dòng tiền kinh doanh; 45% Doanh nghiệp bị thiếu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phải thu hẹp lực lượng lao động. Có tới 92% số doanh nghiệp cho biết doanh thu năm 2020 bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó có 20% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu trên 50%. Tình hình ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tất cả các nhóm doanh nghiệp, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong bối cảnh này, các thành viên Hiệp hội thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh vừa duy trì sản xuất kinh doanh phát triển doanh nghiệp và bảo đảm đời sống người lao động.
Công tác tổ chức và hội viên.
Hiệp hội đã rà soát, kiện toàn tổ chức và trao đổi thông tin với các đơn vị thành viên để nắm bắt các nhu cầu, các thông tin từ hội viên để điều chỉnh kịp thời cho các hoạt động của Hiệp hội phù hợp với tình hình chung, đồng thời cũng tạo sự gần gũi, gắn kết giữa Hiệp hội và các đơn vị.
Tháng 06/2020 Hiệp hội kết nạp thêm 02 thành viên mới là Công ty Đầu tư phát triển Điện lực và Công ty Cổ phần MECTA
Thực hiện là cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiệp hội đã tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản, các quy định của các bộ, ngành cho các đơn vị thành viên.
- Kết hợp với Bộ Công thương – Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ mời doanh nghiệp đăng ký tham gia xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020;
- Rà soát, báo cáo danh sách doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại gửi Bộ Công thương có biện pháp ứng phó, hỗ trợ các doanh nghiệp phòng chống hiệu quả dịch bệnh, đảm bảo vừa sản xuất kinh doanh vừa chống dịch hiệu quả….
- Phối hợp phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam có ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng được giảm theo yêu cầu về vốn tự có khi đi vay vốn (hiện là 30-40% giảm xuống 15-20%) để có thể đầu tư vào lĩnh vực này, nhất là trong điện gió, điện mặt trời để phục vụ an ninh năng lượng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh việc thẩm định và phê duyệt hồ sơ bổ sung quy hoạch điện gió để kịp triển khai theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (về cơ chế hỗ trợ phát triển các Dự án Điện gió tại Việt Nam). Xem xét gia hạn thời hạn thực hiện Quyết định 39 đến hết ngày 31/12/2023 vì nhiều dự án đang bị chậm tiến độ do thủ tục về quy hoạch và giải phóng mặt bằng bị kéo dài, các nhà cung cấp tuốc bin điện gió từ châu Âu đang tạm dừng sản xuất, chuyên gia nước ngoài khó khăn trong việc đi lại và nhập cảnh vào Việt Nam, ngân hàng yêu cầu tăng tỷ lệ vốn tự có từ 30% lên 40%.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm tiền điện 3 tháng liên tiếp cho các hộ tiêu dùng, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp trong đại dịch Covid - 19
Hiệp hội và Tạp chí Điện Việt Nam đã ủng hộ phòng chống đại dịch Covid -19 với số tiền là 10.000.000đ qua Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam.
Đóng góp các văn bản pháp luật của các Bộ, Ban, Ngành… và tăng cường hợp tác quốc tế… Hiệp hội đã tích cực tham gia và đóng góp các văn bản pháp luật, làm tốt chức năng đại diện cho doanh nghiệp, góp ý các văn bản do Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan chủ trì.
KẾ HOẠCH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2020
Để triển khai các giải pháp khởi động nền kinh tế và khôi phục sản xuất kinh doanh giai đoạn hậu Covid – 19 các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội hãy chủ động sớm triển khai nhiều biện pháp để khắc phục ảnh hưởng của dịch tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các doanh nghiệp cần triển khai các biện pháp dài hạn như: Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp; chuyển đổi số; tìm kiếm các mô hình và phương thức kinh doanh mới; quản trị doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững; tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường, chuỗi cung ứng mới.
Đại dịch Covid – 19 cho thấy nguy cơ đứt gẫy chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các đơn vị thành viên Hiệp hội nói riêng là rất lớn do thị trường nguyên vật liệu của Việt Nam dựa chủ yếu vào Trung Quốc, Thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN. Khi các thị trường này bị phong tỏa bởi dịch bệnh thì nguy cơ ngừng sản xuất rất cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cần thực hiện đa dạng hóa thị trường cung ứng và xuất khẩu thông qua việc tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới.
Để tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020 cũng như đi đúng hướng tiến "về đích" của giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần tháo gỡ các nút thắt, phát huy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế năm 2020 và các năm tiếp theo, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư của nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tạo động lực cho tăng trưởng khôi phục kinh tế giai đoạn hậu Covid-19.
- Kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết các kiến nghị của các đơn vị thành viên, các kiến nghị mới và các đề xuất kiến nghị bổ sung vào cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển.
- Đề nghị với các cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn và sớm tổ chức nghiên cứu các chủ trương, cơ chế, chính sách để đón đầu cơ hội trong việc tái cấu trúc nền kinh tế khi mà dịch bệnh bị đầy lùi.
Tại Hội nghị các đơn vị thành viên đã trình bày những ý kiến và kiến nghị của đơn vị nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thành viên phát triển sau đại dịch Covid – 19 như: Tiếp tục cải tiến kỹ thuật, nắm bắt công nghệ mới để sản xuất thiết bị có hiệu suất cao; Tiết kiệm năng lượng; phân loại phụ tải; Tăng cường điện mặt trời áp mái; cơ chế chính sách cho hộ gia đình hoặc doanh nghiệp để lắp đặt điện mặt trời áp mái; Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và tìm giải pháp hỗ trợ nghiên cứu…
Với quyết tâm cao của Ban lãnh đạo Hiệp hội cùng sự nỗ lực vượt thách thức đón thời cơ phục hồi sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên kỳ vọng 6 tháng cuối năm 2020 hậu Covid - 19 sẽ mở ra cơ hội mới cho các đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra của doanh nghiệp, góp phần xây dựng Hiệp hội, ngành Điện và đất nước phát triển. Hy vọng năm 2020 theo chủ trương của chính phủ và chỉ đạo của ngành điện sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngành phát triển tốt hơn.